Tết Dương lịch đánh dấu sự khép lại của một năm cũ và mở màn một năm mới với hy vọng về những điều tốt đẹp phía trước. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều có phương thức chào đón năm mới thật độc đáo, mang đậm nét văn hóa riêng của từng đất nước.
1.Đức
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Tết Dương lịch, ngoài pháo hoa, champagne và các cuộc tụ họp gia đình, bạn bè, người Đức còn có tập tục nhỏ một giọt chì nóng chảy vào nước lạnh và dự đoán tương lai tương tự như người Phần Lan. Ngoài ra, một phần thực phẩm ăn vào đêm giao thừa sẽ được để lại trên đĩa cho đến nửa đêm, tượng trưng cho nguồn thực phẩm sẽ luôn dồi dào trong năm tới.
Ở nông thôn Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là “thi leo cây”. Các chàng trai thi nhau treo lên nhưng cái cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là “anh hùng năm mới”.
Trước giao thừa 15 phút, người Đức sẽ ngồi yên ở trên ghế. Lúc chuông đồng hồ điểm thời khắc qua năm mới, họ sẽ bước xuống ghế và ném một vật nặng ra phía sau, ngụ ý quăng đi những tai họa, xui xẻo của năm cũ để tiến tới một năm mới hạnh phúc, bình an. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn Harmonica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc theo sau ca hát đón chào năm mới.
Ngày nay, bàn tiệc đón giao thừa của người dân Đức ngày càng đơn giản hơn. Bữa tiệc đón năm mới ngoài những món ăn, vật dụng mang biểu tượng may mắn và thịnh vượng thì chủ yếu là Buffet. Các thành viên trong gia đình, ngồi quây quần hàng giờ bên nhau trong một bầu không khí ấm áp và thưởng thức các món ăn đặc sắc của đêm Giao thừa.
2.Phần Lan
Người dân Phần Lan đón chào năm mới từ đêm 31/12 đến 1/1. Đối với người dân Phần Lan, đây là một ngày vô cùng quan trọng, vì vậy họ đã chuẩn bị một vài tuần trước đó với hi vọng sẽ có một ngày lễ trọn vẹn, đầm ấm bên gia đình và người thân. Họ sẽ trang trí nhà cửa bằng ruy băng đỏ, bằng các cây nến đó là tượng trưng cho ánh sáng của sự thịnh vượng.
Trong đêm giao thừa, người Phần Lan sẽ nung chảy một miếng thiếc nhỏ, rồi đổ vào cốc nước. Họ tin rằng hình dạng miếng thiếc tạo thành sẽ dự đoán cho tương lai của chủ nhân. Nếu mảnh thiếc có hình trái tim thì là dấu hiệu của hôn lễ, nếu là con thuyền thì báo hiệu cho các chuyến đi, còn hình con lợn mang ý nghĩa gia đình sẽ rất sung túc trong năm tới…
Hầu hết các món ăn trên bàn ăn trong ngày lễ của người Phần Lan là các món cá. Những con cá sẽ được nướng, muối và cá hồi hun khói, cá trích… Năm mới ở Phần Lan sẽ không trọn vẹn nếu thiếu món Salad củ cải, được tẩm với giấm và kem.
3.Đan Mạch
Đối với người dân phương Đông thì dịp năm mới rất kỵ chén, đĩa vỡ vì đây được xem là điềm xui. Tuy nhiên, ở Đan Mạch, phong tục chào đón năm mới lại là đập vỡ những chiếc đĩa cũ.
Vào đêm giao thừa, người dân Đan Mạch ném bỏ những chiếc đĩa cũ kỹ, sứt mẻ vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè của mình. Nhiều người tin rằng đây là cách giúp xua đuổi vận đen. Họ tin rằng, vào sáng mùng 1, căn nhà nào có càng nhiều bát đĩa vỡ thì năm tới sẽ gặp càng nhiều may mắn.
Đêm giao thừa được đánh dấu bằng hai tin quan trọng trên radio và truyền hình, Hoàng gia Đan Mạch sẽ phát biểu chúc mừng toàn dân nhân dịp năm mới trên các phương tiện truyền thông vào 6h chiều và âm thanh của chiếc đồng hồ Tòa thị chính lúc nửa đêm tại Copenhagen. Thực đơn trong bữa tiệc đêm giao thừa sẽ gồm các món ăn như cá tuyết hấp, cải bắp xoăn hầm và đùi lợn quay hoặc rán.
4.CH Séc
Trong đêm mừng năm mới, mọi người trong gia đình quầy quần tại bàn ăn, trên bàn có một quả táo được cắt làm đôi. Người Séc tin rằng, nếu lõi quả táo có hình ngôi sao thì năm đó những người có mặt sẽ có sức khỏe dồi dào và gặp nhiều may mắn. Còn nếu quả táo có hình cây thánh giá đan chéo, e rằng năm đó sẽ có người không được khỏe mạnh.
Vào buổi tối cuối cùng của năm, trên bàn tiệc của các gia đình người Séc không thể thiếu món cháo tấm. Người ta tin rằng cháo tấm sẽ mang lại cơ hội “tiền vào như nước”. Thịt chim và thịt thỏ là hai món kiêng kỵ nếu không muốn sang năm mới điều may mắn sẽ “bay vọt như chim và lủi nhanh như thỏ”.
5.Hy Lạp
Theo truyền thống, một củ hành tây thường được treo trên cửa trước của những ngôi nhà tại Hy Lạp. Hình ảnh này mang ý nghĩa của sự tái sinh trong năm mới. Ngoài ra, vào ngày Tết, cha mẹ sẽ đánh thức con dậy bằng cách dùng hành tây gõ nhẹ vào đầu chúng.
Năm mới của người Hy Lạp sẽ mất đi những bản sắc vốn có của mình nếu thiếu đi phong tục làm bánh mỳ với đồng tiền mừng xuân có tên Vassilopita. Đây là một loại bánh mỳ nướng rất to có hình tròn bên trong có nhét một đồng xu. Vào bữa tiệc năm mới, nếu ai may mắn ăn được miếng bánh có đồng xu có nghĩa là người đó sẽ được nhiều tiền bạc và tài lộc trong năm sau.
6.Mexico
Vào dịp Tết, bánh Tamales được người dân Mexico rất ưa chuộng, nó khá giống với cách làm bánh của Việt Nam khi cũng sử dụng một lớp lá bên ngoài để gói bánh sau đó mới đem luộc. Bánh Tamales được làm từ bột ngô, mỡ, thịt, cá và một số loại rau đặc trưng đem thái nhỏ trộn đều với nhau rồi sử dụng lá chuối hoặc lá ngô gói hỗn hợp này lại rồi đem luộc hoặc hấp chín.
Vào năm mới, bánh Tamales thường được dùng với súp Menudo truyền thống – bát súp độc đáo có khả năng chữa bệnh.
Khu vực Nam Mỹ: Một món ăn truyền thống chính ở Nam Mỹ – Hoppin’ John là một món ăn của đậu mắt đen (tượng trưng cho tiền xu) hoặc đậu đũa kết hợp cùng thịt lợn và cơm, thường ăn kèm cải búp hoặc bánh mì bắp (màu sắc của vàng). Các món ăn được cho là mang lại may mắn trong năm mới.
7.Scotland
Giống như ở Việt Nam, tại Scotland cũng có tập tục xông đất đầu năm mới. Để đón may mắn vào nhà, người dân thường mời những người đàn ông cao lớn và đẹp trai ghé thăm trong thời khắc đầu tiên của năm mới. Gia chủ tin rằng đàn ông đẹp trai là những người may mắn nhất, có thể quyết định vận may của mình suốt 12 tháng trong năm mới.
Người xông đất sẽ mang theo những quà tặng truyền thống như một cục than, muối, bánh qui shortbread hoặc bánh ngọt trái cây black bun, cùng một chai rượu wee dram (một loại whisky của Scotland), một nhánh cây thường xanh, và một đồng bạc. Tất cả tượng trưng cho lời chúc gia chủ một năm mới may mắn, thịnh vượng.
Đêm trước ngày tết dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy. Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc, ý nghĩa là “nhìn thấy phát tài“.
Vào đêm giao thừa, người Scotland tổ chức ngày hội Hogmanay, những người đàn ông diễu hành trên phố và mang theo ngọn đuốc lớn, tung qua hai tay rồi thổi mạnh. Theo quan niệm, những ngọn lửa này sẽ mang lại ánh sáng và sự trong sạch cho năm mới. Người Scotland cho rằng sẽ không thể có năm mới khi năm cũ chưa qua, bởi năm cũ được cho là tai ương và cần phải xua đuổi đi. Họ có phong tục diễu hành quanh thành phố với hình nộm của Thần chết và sau đó đốt cháy, đổ xuống sông hoặc chôn xuống đất. Hình nộm này có thể được làm bằng rơm, cành khô hoặc giẻ rách và được gọi là Auld Wife. Tại một số làng quê, người ta thắp sáng những thùng nhựa đường và lăn dọc các con phố với niềm tin rằng năm cũ sẽ bị đốt cháy cùng với những rủi ro và năm mới sẽ được đến cùng với những may mắn. Người Scotland còn đốt bụi cây bách xù trong nhà để xua đi vi trùng và bệnh tật./.